Thư Giãn Với Quang Cảnh Thiên Nhiên Bản Hồ - Thanh Phú - Nậm Sài - Nậm Cang

Xã Bản Hồ thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai nằm cách trung tâm thị trấn Sa Pa gần 30km về phía tây nam. Bản Hồ có trung tâm là thôn Bản Dền, nơi gặp gỡ của hai dòng suối Mường Hoa và La Ve. Những năm gần đây, Bản Hồ đã thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm và trở thành một trong những địa bàn du lịch trọng điểm của huyện SaPa.


Đến Bản Hồ, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những thửa ruộng bậc thang ngút tầm mắt, hòa lẫn những nếp nhà của người dân nằm rải rác dọc hai bờ suối. Thôn Bản Dền còn là nơi gặp gỡ của hai dòng suối Mường Hoa và La Ve. Suối Mường Hoa được phối cảnh với một địa thế đẹp, khí hậu ôn hoà và những ngôi làng truyền thống người Tày đã tạo nên bức tranh sơn thuỷ hữu tình, mê đắm lòng người. Con suối đã quá thân thuộc trong cuộc sống sinh hoạt của đồng bào Tày nơi đây.

Dòng suối La Ve chảy về Bản Dền từ trong núi cao rừng thẳm đã tạo thành từng dòng thác trong vắt. Có lẽ vì thế mà cá suối thường tập trung về đây rất đông và nhảy múa dưới dòng thác như những nghệ sỹ miệt mài biểu diễn trên sân khấu. Vì vậy, người dân địa phương đã đặt tên là thác Cá nhảy. Thác Cá nhảy là nơi lý tưởng cho những ai muốn tận tay giăng lưới bắt cá suối tươi ngon và thưởng thức món cá nướng ngay bên dòng thác.


Trong khu vực Bản Hồ, ngoài hai dòng suối Mường Hoa và La Ve, còn có một loạt những dòng suối, con thác khác như: Cá Nhảy, Séo Trung Hồ… là những nơi lôi cuốn sự đam mê, khám phá thiên nhiên thơ mộng của du khách. Ngoài dòng suối, con thác Bản Hồ còn có những cung đường núi đồi quanh co, uốn lượn.

Đến với Bản Hồ du khách không chỉ được chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên hữu tình, không gian thoáng đãng nên thơ, kiến trúc độc đáo từ những ngôi nhà sàn gỗ gắn bó lâu đời với cuộc sống của người dân tộc mà còn được sống trong môi trường du lịch thân thiện, đầm ấm và cùng tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng.

Khi mặt trời xuống núi, du khách sẽ được đi dạo một vòng quanh bản, đến những nhà dân xem dệt thổ cẩm và có thể mua cho mình một tấm . Vào những tối cuối tuần ở bản Hồ, du khách có thể đến các nhà sàn văn hóa vui chơi ca hát cùng người dân bản địa. Mỗi dân tộc sẽ mang đến sắc màu khác nhau qua những trò chơi, điệu múa và những món ăn độc đáo mà du khách sẽ còn nhớ mãi.

Mỗi khi có du khách đến nghỉ chân, người dân Bản Hồ đón tiếp rất chu đáo, cởi mở. Du khách sẽ được chủ nhà thết đãi những món ngon của địa phương như cá suối Mường Hoa nướng trên than hồng, giã nhỏ cùng muối và ớt nướng thơm lừng hòa quyện với khói bếp lam chiều như muốn níu chân du khách. Du khách còn được thưởng thức xôi tím, cơm lam, thịt lợn nướng chấm lá nhội và chút ớt chỉ thiên cay se môi, hay măng chua nấu vịt. Những món ăn ngon nhâm nhi cùng chén rượu gạo thơm nồng mùi lúa mới sẽ cho du khách cảm giác chếnh choáng say trong men tình nồng ấm của người dân miền sơn cước.


Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng với văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày đã giúp Bản Hồ trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Tạm biệt Bản Hồ với khung cảnh êm đềm, những mái nhà sàn xinh xắn để du khách đến một lần nhớ, vấn vương.

Nằm ở phía Nam của huyện cách khoảng 35km từ thị trấn Sapa. Cụm xã này bao gồm 3 làng,mỗi làng có khoảng từ 10 – 15 gia đình – là các làng xa xôi nhất của huyện. Nơi đây có một nhóm dân tộc thiểu số rất nhỏ sinh sống là dân tộc Xa Phó.


Nhóm dân tộc này ít khi liên lạc với các nhóm dân tộc khác sông trong vùng, hầu hết trong số họ nói được tiếng nóng riêng của họ.Họ sống chủ yếu bằng may vá, làm nông nghiệp, săn bắn và thu gom các sản phẩm từ rừng như măng tre, nấm. Tuy nhiên trong những năm gần đây có nhiều dự án của huyện được thực hiện giúp đỡ dân làng cải tiến kỹ thuật canh tác, mặt khác nhiều trường học được xây dựng ở các làng gần đây cho con em họ được đến trường và cũng đã có nhiều tuyến du lịch nối liền các làng với nhau đã cải thiện cuộc sống và lối sống của họ. Du khách đến làng bằng con đường chính bằng ôtô hoặc con đường mòn đi bộ mất 5- 6h từ xã BẢN HỒ, con đường này có khung cảnh tuyệt đẹp và là cơ hội để khám phá, gặp gỡ, chứng kiến cuộc sống của người XA PHÓ

Người dân Xa Phó tại Mỹ Sơn – Sapa
Thanh Phú là xã vùng sâu của huyện Sa Pa (Lào Cai). Được chọn là một trong những xã khởi đầu xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ xã đã bàn bạc, quyết định chọn các tiêu chí ưu tiên làm trước trong bộ 19 tiêu chí.

Đến thời điểm này, Thanh Phú đã thực hiện xong 4 tiêu chí quan trọng là: Nhà ở, thủy lợi, quy hoạch tổng thể, giáo dục phổ thông. Năm 2012 này, đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã quyết tâm đạt được các tiêu chí: Giao thông nông thôn, an ninh trật tự, giáo dục mầm non (cụ thể là xây dựng các nhà ở bán trú và phòng học cho hệ mầm non ở 5 thôn bản xa trung tâm).


Trang phục truyền thống của người Tày đơn giản, mộc mạc mà tinh tế

Chương trình xây dựng nông thôn mới được sự đồng thuận rất cao giữa cấp ủy, chính quyền và người dân, đây là thuận lợi cơ bản để Thanh Phú sớm đạt được các tiêu chí. Đóng góp trực tiếp vào tiêu chí giao thông nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới, có gia đình đã tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông, đó là gia đình anh Sền A Đông ở thôn Mường Bo 1 dỡ nhà chuyển đi để giải phóng mặt bằng cho thi công, gia đình anh Nông Văn Ven hiến đất vườn để con đường được mở qua thuận lợi.

Một gia đình khá điển hình tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ổn định đời sống và từng bước vươn lên làm giàu của xã là gia đình anh Dì Văn Ngài, dân tộc Tày. Để phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng anh Ngài đã chăn nuôi lợn, trồng ngô, làm đậu phụ… Mỗi thứ một ít và tích lũy dần, có của ăn của để, cho con cái đi học. Nhờ sự phát triển của du lịch Sa Pa, vợ chồng anh mở thêm dịch vụ homestay. Hiện hai vợ chồng anh có thu nhập gần trăm triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi. Số tiền tích lũy được, anh chị đầu tư sửa sang nhà cửa, xây dựng khu vệ sinh đạt tiêu chuẩn, rồi đăng ký với phòng văn hóa du lịch của huyện làm một điểm homestay bình dân. Mùa du lịch, du khách nước ngoài từ Sa Pa xuống thăm thú phong cảnh bản làng, rồi vào nghỉ ngơi, đặt bữa ăn uống, đã tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập mới, giúp anh chị Ngài ngày càng khấm khá. Niềm vui của vợ chồng người Tày này cũng là niềm tự hào với thành tích của hai người con gái. Cháu Dì Thị Nhít được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì thành tích học sinh giỏi 5 năm liền; còn cháu Dì Thị Nghiêm vừa được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen, vì thành tích xuất sắc trong học tập. Gia đình anh Ngài nhiều năm liền được công nhận là gia đình văn hóa.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù, quyết tâm; với sự hỗ trợ quý báu các nguồn lực từ trung ương và tỉnh, bức tranh nông thôn mới đang dần được hình thành ở xã Thanh Phú.


Từ thị trấn Sa Pa du khách có thể sử dụng ô tô hoặc xe máy để đến Nậm Sài, cách thị trấn 35 km về Phía Nam. Nậm Sài là bản duy nhất có người Xá Phó sinh sống. Người Xá Phó là một trong những nhóm tộc người với số lượng còn lại rất ít. Khám phá văn hóa người Xá Phó là khám nét tinh tế trên trang phục truyền thống, khám phá những làn điệu dân ca dao duyên, lối sống sinh hoạt cộng đồng đặc biệt. Khi du khách đến thăm bản sẽ được giao lưu, tham gia biểu diễn văn nghệ, chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên ruộng bậc thang, tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành hòa mình với cuộc sống bình dị để quên đi những mệt mỏi, ồn ào, náo nhiệt.
Về ẩm thực địa phương, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn đặc trưng như xôi ngũ sắc, cá suối nướng, gà bản, thịt muối… Rời Nậm Sài xuôi 7 km về phía Đông Nam là Nậm Cang, điểm thứ hai trong chuyến hành trình của du khách. Nậm Cang là nơi sinh sống của dân tộc Dao. Nậm Cang mang đến cho du khách cơ hội tìm hiểu về phong tục tập quán ăn ở sinh hoạt, tham gia các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của người Dao. Người Dao có những lễ hội rất độc đáo như lễ tết nhảy được tổ chức vào mùng 1 mùng 2 tháng giêng, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Bên cạnh đó, tắm lá thuốc là sản phẩm đặc biệt được nhiều người biết đến rất tốt cho sức khỏe. Du khách có thể thưởng thức dịch vụ tắm lá thuốc ngay tại cộng đồng hoặc có thể mua về làm quà cho người thân, bạn bè. Buổi tối là các chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ, đôt lửa trại mang lại cho du khách những giây phút khó quên về giao lưu văn hóa với đồng bào nơi đây. Ẩm thực của Người Dao Nậm Cang cũng rất phong phú nhưng nổi tiếng là món Măng Sặt, thứ măng nhỏ được lấy từ rừng sâu, ăn có vị ngọt thơm đặc biệt.

Du khách chắc chắn sẽ hài lòng khi được chính những người dân bản địa nơi đây là người hướng dẫn, giới thiệu cho du khách về phong tục tập quán nét sinh hoạt của dân tộc họ. Nậm Cang – Nậm Sài đang chờ đón du khách đến khám phá.